Các giai đoạn phát triển

Phân hiệu Đại học Bách khoa tại Thái Nguyên (1965-1966)

Được thành lập ngày 19/8/1965 theo quyết định số 164/CP Hội đồng Chính phủ để đáp ứng nhu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đáp ứng kịp thời nhu cầu cán bộ khoa học kỹ thuật cho khu gang thép Thái Nguyên.

Phân hiệu Đại học Bách khoa tại Thái Nguyên trực thuộc 4 đơn vị chủ quản gồm: Công ty gang thép Thái Nguyên, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ Công nghiệp nặng, Bộ đại học và Trung học chuyên nghiệp ra đời trong điều kiện cơ sở vật chất còn nghèo nàn, lực lượng cán bộ còn mỏng.

Khóa đầu tiên của Nhà trường khai giảng vào ngày 06/12/1965 gồm 206 học sinh, sinh viên. Nhà trường đã đảm bảo tốt nhiệm vụ vừa dạy và học an toàn vừa ra sức xây dựng cơ sở vật chất và đội ngũ trong thời gian chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ..

 

1965-1966

Đại học Cơ điện (1966-1975)

Thành lập ngày 06/12/1966 theo Quyết định số 206/CP của Hội đồng Chính phủ về việc đổi tên phân hiệu Đại học Bách khoa thành trường Đại học Cơ Điện nhằm đáp ứng yêu cầu, tình hình và nhiệm vụ mới về đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý trình độ đại học.

Trường trực thuộc Bộ đại học và Trung học chuyên nghiệp. Đại học Cơ Điện thành lập trong điều kiện chiến tranh leo thang đánh phá miền Bắc của Mỹ ngày một điên cuồng, cơ sở vật chất bị tàn phá nặng nề. Trong điều kiện khó khăn như vậy thầy và trò trường Đại học Cơ Điện vẫn không ngừng cố gắng phấn đấu thi đua dạy tốt, học tốt. Trường Đại học Cơ Điện trong 10 năm đầu tiên này đã biết tập hợp lực lượng của mình thành một khối đoàn kết vững chắc thực hiện lời Bác Hồ dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết – Thành công, thành công, đại thành công”.

Trải qua 10 năm xây dựng, Nhà trường đã đào tạo được hàng ngàn kỹ sư có trình độ học vấn vững vàng, xây dựng được đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ đại học ở một số ngành thuộc các lĩnh vực quan trọng của nền công nghiệp nặng nước ta, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

1966-1975-

Đại học Kỹ thuật công nghiệp Việt Bắc ( 1976-1982)

Ra đời nhằm đáp ứng các yêu cầu mới về đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật phục vụ công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh, trường Đại  học Kỹ thuật công nghiệp Việt Bắc là tên mới của trường Đại học Cơ điện theo Quyết định đổi tên trường số 426/TTG của Thủ tướng chính phủ.

Phát huy những truyền thống tốt đẹp trong 10 năm xây dựng và trưởng thành, đồng thời tạo bước tiến mới trong đào tạo đội ngũ và xây dựng cơ sở vật chất, Nhà trường đẩy mạnh các phong trào thi đua học tập, nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học mới vào thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và nâng cao uy tín Nhà trường.

Đến cuối năm 1982 trường đã đào tạo được 3214 sinh viên tốt nghiệp Kỹ sư trong đó có 2828 kỹ sư hệ chính quy, hệ chuyên tu là 334 kỹ sư, tại chức là 52 kỹ sư thuộc các ngành: Cơ khí chế tạo máy, cơ khí luyện kim, luyện kim, cán thép và điện khí hóa xí nghiệp.

1976-1982

Đại học Công nghiệp Thái Nguyên ( 1982-1994)

Với chủ trương xây dựng một trung tâm đào tạo đa cấp đa ngành, trường Trung học công nghiệp miền núi được sát nhập vào trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Việt Bắc để thành lập trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên theo Nghị định số 332/HĐBT ngày 18/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng.

Nhà trường đã tập trung kiện toàn bộ máy, ổn định tổ chức các khoa, xây dựng trung tâm thực nghiệm Nghiên cứu khoa học – Lao động sản xuất, thành lập tổ xuất bản phục vụ việc cung cấp tài liệu học tập và giảng dạy cho sinh viên và giảng viên.

Song song với việc ổn định tổ chức, Nhà trường rất quan tâm chú trọng việc bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giáo viên. Có 267 lượt cán bộ giảng viên tham gia nghiên cứu sinh, thực tập sinh và theo học các lớp bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, ngoại ngữ, tin học tại trường.

1982-1994

Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (1994 đến nay)

Với sự ra đời của đại học vùng - Đại học Thái Nguyên theo Nghị định 31/CP/1994 của Chính phủ, Đại học Công nghiệp Thái Nguyên trở thành một thành viên của Đại học Thái Nguyên và mang tên Đại học Kỹ thuật Công nghiệp – Đại học Thái Nguyên.

Đây là giai đoạn đánh dấu một bước ngoặt lớn về sự phát triển mạnh mẽ của Nhà trường với cơ sở vật chất được nâng cao và đội ngũ cán bộ giảng viên không chỉ tăng lên về số lượng mà còn nâng cao cả về chất lượng. Đội ngũ của Nhà trường gần 500 CBVC với 78% giảng viên có trình độ trên đại học, 10% giảng viên có trình độ tiến sỹ, 93% giảng viên giảng dạy lý thuyết thành thạo ngoại ngữ hoặc có trình độ tiếng Anh trên 450 TOEFL ITP… đang phục vụ đào tạo trên 11.000 sinh viên trong nước và quốc tế với hơn 30 chuyên ngành đào tạo đại học và sau đại học, trong đó có 02 chương trình tiên tiến và 02 chương trình liên kết đào tạo quốc tế.

Sẵn sàng đón nhận những cơ hội và thách thức mới trong thời kỳ hội nhập và phát triển, Nhà trường đang không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng bồi dưỡng và phát triển đội ngũ, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành một trung tâm đào tạo kỹ thuật có uy tín trong nước và ngang tầm quốc tế.

1994 đến nay
Mọi người nói về TNUT
Nhật Mai Sơn
CSV K29I; Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, sở công thương tỉnh Bắc Kạn
"Tôi muốn gửi lời tri ân tới các thầy cô giáo, tới mái trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp, nơi đào tạo cho tôi những kiến thức về khoa học kỹ thuật, về chuyên ngành tự động hóa, đó là những kiến thức vô cùng quý báu để tôi làm hành trang bước vào đời"
TS. Đào Duy Sơn
CSV K4-SPKT; đang là nghiên cứu sau tiến sỹ (postdoc) tại ĐH quốc gia Singapore.
"Đại học Kỹ thuật Công nghiệp đã thay đổi cuộc đời tôi, từ một học sinh nông thôn nghèo đến trường Đại học đẳng cấp thế giới"
Nguyễn Hữu Tuấn
CSV lớp K33MC, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty TNHH TSUBAKIMOTO VIỆT NAM
"Đến với khoa Cơ khí trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp là một cái duyên, nhưng tôi thực cảm thấy may mắn khi lựa chọn con đường này"
Nguyễn Văn Sáng
CSV K40CCM6; Trưởng phòng Quản lý Chất lượng Công ty Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên
"Trong học tập, công việc cũng như cuộc sống tôi luôn xác định được mục tiêu của mình và cố gắng hoàn thành với quan điểm làm thế nào thì tốt"
Golam Azam Mahmud
Thực tập sinh, sinh viên trường College of Aviation Technology Aenonautical Engineering, Bangladest
"Qua cuộc nói chuyện nhỏ này, chúng tôi mong muốn mang đến cho các bạn một cái nhìn khác về môi trường học tập quốc tế tại khoa Quốc tế, trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp. Một môi trường giáo dục mở, năng động, sáng tạo sẽ đem lại cho các bạn không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội lớn trong tương lai"
Lord Theresa
Thực tập sinh - Trường ĐH Leoben, Áo
"Tôi rất vui khi được thực tập tại đây, môi trường học tập và thực tập tại đây thực sự rất tốt, các giảng viên và các bạn sinh viên luôn hỗ trợ tôi trong mọi việc"