Bản tin Cựu sinh viên

Rét Cơ Điện

Đại học cơ điện cũ

(nay là Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên)

                                                                                          Nguyễn Trọng Luân

                                                                                                   Cựu sinh viên K5 – k9

          Suốt 5 năm làm học trò trên xứ Thái được trưởng thành trong đói và rét. Đói thì rõ rồi, còn đâu đói bằng sinh viên. Còn rét, tôi không gọi là rét Thái Nguyên vì nó hiển nhiên với cả bàn dân thiên hạ. Mà tôi gọi rét HỌC TRÒ . Học trò thời bao cấp rét lắm. 
          Một vùng đồi trọc lúp xúp bạch đàn non và mua sim. Bạch đàn non ngẳng nghiu lá bé lại thưa huểnh hoàng, sim mua lè tè làm sao chắn gió bấc. Vì thế gió bấc vi vu tràn thoải mái vào những ngôi nhà tranh của học trò. Gió bấc nhiều đến nỗi cỏ trên vùng trường đại học Cơ Điện lúc nào cũng úa úa màu vàng xỉn. Lớp học thì không che kín. Trò ngồi dưới hai đùi rung lộn lên cho đỡ tê đỡ cóng. Con gái càng rung mãnh liệt hơn bởi tụi nó quần lụa phấp phới đâu có quần tây như bây giờ. Khiếp, gió Thái nguyên thoải mái lùa vào các cặp chân dài chân ngắn nữ sinh trường tôi. Trên bảng thầy đứng giảng vẻ là bình thản nhưng thỉnh thoảng thầy nói nhịu. Rõ ra là thấy thầy cũng rét lắm.

Buổi tối rét càng thậm tệ. Hát váng lên mà vẫn thấy rét. Càng rét càng đói. Càng đói thì càng phải hát cho nó quên đi. Chừng như không thể quên được nên phòng này hát phòng bên cạnh cũng hát. Con đường dốc qua đồi ra T-ba Nhất ra đường số 3 thỉnh thoảng có những cái bóng gật gù chùm cả chăn đi như ma trơi ra quán. Ngoài quán Thủy Mù, quán ông già, quán Thê học trò ngồi bó gối cả góc bếp gốc cây khói thuốc bay như sương. Rét càng đậm thì chè uống càng ngon. Càng uống càng xót ruột mà vẫn cứ uống. Dạo ấy bít tất đâu có rẻ như bây giờ thằng nào giỏi có đến hai đôi là oách lắm. Cứ mượn lẫn của nhau đen nhẻm hôi rình và đầy những bụi cát. Suốt một mùa rét tôi chỉ một lần đi tắm. Ấy là cuộc hành quân qua ga Lưu Xá sang khu Gang thép tắm nhờ nước lò cao. Quần áo ít, ăn uống ít, chả lấy đâu ra nhiều prô-tit mà lo hôi hám. Phải công nhận cái bẩn của người nghèo sạch hơn rất nhiều cái bẩn của người giàu vốn ăn nhiều chất bổ. Mùa đông nhìn đống lửa trong đêm đáng yêu thế. Lửa nồng nàn và hiền từ cảm thấy như lửa rất thương học trò.  Góc sân đá bóng, rồi cả ở trên đồi những đống lửa của mấy thằng kiếm được ít mì sợi đang vừa ngồi sưởi vừa đợi mì chín. Những lúc ấy chuyện như ngô rang. Những thằng đứng ở ban công ngó ra những đống lửa ngoài xa mà thèm. 

Rét trong lớp, rét trong phòng kí túc xá …nhưng cái rét ở nhà ăn mới vui. Đứng ăn không thể chịu được. Vừa nhanh đói vừa lạnh lùng, lại run rẩy trước mặt bạn nữ thì chán quá. Ăn ngồi tất. Bàn ăn mặt đá chả cần, chúng tôi cứ thu lu vào các góc nhà . Lê cái soong sèn sẹt hướng này qua hướng khác. Bữa ăn trời rét không láo liên ồn ào như bữa ăn mùa hè . Cái chảo nước sôi nghìn nghịt những người một tay đút túi quần một tay vục cái bát xuống chảo, ăn xong múc một bát nước sôi là tươm vừa rửa bát vừa uống rồi co ro về phòng.

Mấy chục năm trôi qua, tôi vẫn nhớ những chuyến tàu đêm mùa đông lên Thái. Nó cứ xin xỉn màu mắm tôm, màu của gió bấc. Nhớ những đêm thực tập ngoài xưởng cơ khí co ro về khuya, tràn ruộng khoai sọ đọng những giọt sương trong veo co tròn như thủy ngân. Vô tình đi tắt ruộng khoai chạm vào lá sương trút ướt quần buốt thon thót. Tôi nhớ những giấc ngủ úp thìa vào nhau cho đỡ lạnh, nhớ những cái áo bông mặc chung nhau, nhớ những cái đầu bù dù suốt mùa đông không cắt tóc và nhớ những cặp má ửng đỏ của các bạn gái lúc đông về.

Tôi nhớ rét ở đại học Cơ Điện những năm cuối 70. 

Hà Nội, tháng 6 năm 2015