Bản tin Cựu sinh viên

Hồi ức cựu sinh viên K2

Lời tựa:      

Những sự kiện được nêu trong ký ức này là hoàn toàn có thật. Có thể chưa phải là toàn cảnh 5 năm học, nhưng nó đã phác họa lên những nét cơ bản của sinh viên thời bấy giờ. Khi đọc ký ức này có thể sinh viên bây giờ không thể tưởng tượng nổi, giống như chuyện cổ tích vậy. Nhưng đó là thực tế mà các CSV đã sống và học tập.Với bài viết này, tác giả không chỉ có ý định  kể chuyện, mà còn muốn thông qua nó truyền lửa cho các bạn trẻ ngày nay cũng như các thế hệ nối tiếp mai sau.

Tác giả muốn con em mình mải mải giử ngọn lửa mà bác sỹ Đặng Thùy Trâm đã thắp lên năm nào. Tác giả cũng muốn con cháu mình hãy sống và làm việc như PaVen CóocSaGin đã sống và làm việc trong “ Thép đã tôi thế đấy”.

Kiến thức mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa là đủ nếu ý thức và nhận thức chưa cao. Điều kiện ăn học bây giờ tốt hơn rất nhiều nhưng vẫn còn đó các em sinh viên không chịu khó học, nên chất lượng học tập chưa vươn lên tương xứng với những gì mình được hưởng, đây là điều đáng buồn. Chính vì vậy tác giả mong muốn những dòng ký ức này góp phần nâng cao ý thức cho con cháu mình trong việc xác định động cơ và lý tưởng sống trong học tập và cống hiến. Đây là điều mong muốn tâm huyết của tác giả.

Xin chân thành cảm ơn.

Đà Nẵng tháng 6 năm 2015

                                                                                           Nguyễn Văn Tuất

                                                                                                Cựu sinh viên K2MB

 

 

HỒI ỨC CỰU SINH VIÊN K2

Đại học cơ điện cũ 1966  -  1971

(nay là Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên)

 

Tháng 9 năm 1966 chúng tôi từ Trung Quốc về nước sau cuộc đại cách mạng văn hóa của bạn. Một số tham gia quân đội, phần lớn được phân về các trường đại học khác nhau. Do chiến tranh nên các trường đều sơ tán về nông thôn hay rừng núi. Chúng tôi học ở  trường Đại Học Cơ Điện Thái Nguyên (nay là trường Đại Học kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên). Trường mới được thành lập vào năm 1965. Trường chỉ có 3 khoa là chế tạo máy, điện và luyện kim.

Hai năm đầu chúng tôi học tạm tại Phổ Yên. Chúng tôi ở nhờ nhà dân, còn học thì ở các nhà tranh vách đất do mình tự làm lấy núp kín dưới các lũy tre làng để tránh bị máy bay Mỹ phát hiện. Từ cổ đến kim trên thế giới chưa có kiểu trường đại học nào như thế này: không điện, không nước máy, không có trang thiết bị dụng cụ học tập, tự đi chợ, kiếm củi nấu ăn và bị máy bay Mỹ uy hiếp thường xuyên.

Đảng và nhà nước quyết tâm đào tạo lực lượng cho tương lai bằng mọi giá, chúng tôi có niềm tin sắt đá về chiến thắng cuối cùng của dân tộc nên đã ra sức học tập để tái thiết quê hương. Trong các lớp học, dưới hai dảy bàn là hai giao thông hào sâu cỡ một mét để tránh bom khi bị tập kích. Một lần đang học thì máy bay Mỹ ào tới ném bom, chúng tôi lao xuống hào, không ai việc gì. Nhưng khu nhà giáo viên trúng bom, thầy Hằng giáo viên dạy toán hy sinh ngay tại chổ. Cô Lan y tế của lớp mang túi cứu thương chạy đến thấy Thầy như vậy thì lăn đùng ra ngất luôn, chúng tôi lại cấp cứu Lan. Cũng trong trận này một bé trai của dân chết bởi bom của kẻ thù. Sau trận này chúng tôi nghỉ học và sơ tán ra khỏi làng, ở dưới các lùm cây ven sông Công và sống bằng mỳ ống của Hungari viện trợ.

Sau một tuần thấy yên, chúng tôi lại về trường tiếp tục học. Ban đầu lên lớp vào buổi tối, thầy tay cầm đèn tay cầm phấn để giảng bài. Sau thấy yên dần chúng tôi trở về học lại ban ngày như củ, buổi tối chúng tôi học bằng đèn dầu (mỗi tháng mỗi người được mua nửa lít dầu hỏa để thắp đèn ) Để tránh máy bay, chúng tôi đã chế ra cái đèn đặc biệt. Lấy lọ mực có nắp xoi một lổ nhỏ để đút lọt cái bấc rồi đổ dầu hỏa vào. Lấy một ống nghiệm thủy tinh đường kính cở phân rưởi,dài hai mươi phân làm bóng đèn.Tất cả cho vào hộp mì ống Hungari được khoét một cửa sổ cho ánh sáng lọt ra chỉ vừa đủ sáng  trang sách của mình. Nhiều lúc mãi học dúi cả đầu vào đèn làm cháy cả tóc. Mỗi người được phát một cái bảng gổ khổ Ao kê đâu tùy thích để làm bàn tự học và vẽ kỹ thuật. Compa, êke, thước kẻ chúng tôi dùng là thứ mà ngày nay học sinh lớp một nhìn thấy cũng chê. Không có giấy trôki , chúng tôi mua bản đồ về vẽ ở mặt sau. Mỗi học kỳ mỗi người được mua ba manh giấy làm vở, loại giấy Hoàng Văn Thụ đen và nhám (Chúng tôi phải mua thêm ngoài mới đủ giấy để học).

Tài liệu và sách tham khảo hầu như không có gì, học theo vở ghi là chính. Thầy đọc mình ghi, thầy vẽ mình vẽ lại. Chúng tôi toàn học chay, không có thư viện, không có xưởng trường.Tuy vậy chúng tôi vẫn học rất tốt. Ai cũng cần cù chịu khó cày xới, học ngày học đêm bất kể thời gian miễn sao thuộc bài là được. Mỗi học kỳ thi vấn đáp năm đến sáu môn kéo dài cả tháng. Mấy thầy tận tụy đến từng nhà phụ đạo cho học sinh. Nhưng khi coi thi thì mấy thầy nghiêm khắc lắm, không châm chước nể nang gì cả. Nhờ vậy chúng tôi học rất chắc, nắm vững kiến thức. Nghỉ lại hồi đó chúng tôi cày tốt thật, trong năm ngày ôn hầu như chúng tôi đã thuộc lòng quyển sách hàng trăm trang để trả lời bất kỳ nội dung nào thầy thích hỏi ( không học tủ bao giờ).

  Tuy chúng tôi được nhà nước cho ăn học (không phải đóng học phí, được cấp 15 đồng tiền ăn hàng tháng, bằng 1/4 lương kỹ sư khởi điểm) nhưng cuộc sống vật chất cũng khổ lắm. Trước hết nói về ăn. Mỗi tháng mỗi người được mua 13 kg lương thực, trong đó có 80% khoai, sắn hoặc bột mì, bo bo. Nhiều tháng chúng tôi ăn 100% bột mì liên tục. Buổi trưa ăn hai nắm bột mì luộc, buổi chiều ăn hai cái dẹt áp chảo (nướng). Chúng tôi hay nói đùa buổi trưa được hai cái đấm, buổi chiều được hai cái tát. Đương nhiên không có điểm tâm buổi sáng rồi. Thức ăn thì chẳng có gì, quanh đi quẫn lại cũng chí có rau muống, bắp cải, su hào, bí đỏ nấu canh “toàn quốc”. Chúng tôi thay nhau đi chợ Vạn  gần ga Phổ Yên, cách trường ba cây số để mua thực phẩm cho lớp. Chợ này chỉ họp vào lúc nữa đêm đến gần sáng để tránh máy bay địch. Lâu lâu tích cóp được chút ít tiền thì mua con gà con vịt về nấu nước xáo cho cả lớp hơn 50 người ăn trong hai ngày. Đói là bệnh kinh niên của chúng tôi lúc bấy giờ. Có hôm nửa đêm đang học đói quá, mấy thằng ra nhổ cây sắn bờ rào được một củ, bốn thằng nấu cháo thay nhau húp. Chúng tôi thường giúp dân thu hoạch hoa màu. Ngoài cái nghỉa tình, đằng sau có một động cơ quan trọng khác là được bửa cơm không độn bằng gạo mới hoặc một nồi khoai sắn luộc.

Bây giờ mỗi khi gặp nhau là anh chị em hay nhắc lại chuyện ăn “cháo chân gà”. Số là, bọn nữ nấu được nồi cháo trắng đổ vào thau, gọi mấy thằng sang. Cả bọn đang ngồi chuẫn bị ăn thì mấy con gà lội từ chuồng bò ra. Thấy nhớp và ghê quá mấy thằng mới đuổi. Trong cơn hoảng loạn, một con bay luôn vào nồi cháo với hai cái chân đầy phân bò như mang ủng. Đổ đi thì uổng, mấy đứa gạt lớp trên rồi khấy đại chia nhau húp,vừa ăn vừa cười nghiên ngã.

Hàng tháng chúng tôi mỗi người phải nộp cho bếp ăn tập thể 50 kg củi. Muốn lấy củi chúng tôi phải vào rừng cách trường 10 km sau khi vượt qua sông Công. Sáng sớm chúng tôi dậy, nấu nồi cơm ghế đầy khoai, ăn vài miếng lót dạ rồi gói lại mang theo ăn trưa. Cuốc bộ cở 3 tiếng chúng tôi vào đến rừng. Sau khi bó được hai bó chừng 30 kg ,bọn tôi ăn trưa và xuống núi. Nước uống thì khỏi phải lo, hoặc xin dân hoặc uống nước suối, nước ruộng. Nhiều lúc uống xong mới thấy cứt trâu bò gần đó. Dưới cái nắng như đổ lửa vi trùng theo mồ hôi ra ngoài hết, nên không ai việc gì! Lúc về thì đi nhanh hơn vì phải chạy theo đà lắc của bó củi. Bọn con trai đi trước mấy cây số rồi quay lại gánh giùm bọn con gái. Mấy mợ lê cái thân chưa xong chứ đừng nói đến chuyện gánh gồng, nghỉ cũng tội (nói vậy sau này quen cũng làm được tuốt). Cứ quành đi quành lại như vậy đến 6, 7 giờ tối chúng tôi cũng dìu nhau về được đến bến Đẫm, sông Công.

Lần đầu tiên đi củi, ba vai (gánh bằng cổ nữa) của mấy thằng “dài lưng tốn vải” đều sưng tấy hết,về đến nhà chỉ còn được hai que như cổ chân vì phải vứt dần dọc đường. Sau quen dần cũng gánh được 30 kg và rút ngắn được 1/3 thời gian về đích. Hai tháng chúng tôi đi ba lần là đủ chỉ tiêu củi giao nộp.Việc sinh hoạt cũng khá cam go. Ở với dân nên làm đủ mọi việc từ vệ sinh trong nhà ngoài cổng, giữ trẻ và kèm con nít học. Mỗi tháng mỗi người được bán phân phối 1/4 bánh xà phòng để dành giặt những đồ kiểng, còn lại vò vò đập đập là chính.

Chúng tôi cơ bản tắm ở sông. Mùa đông, với cái“ Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế, gió qua rừng đèo Khế gió sang”vậy mà chúng tôi vẫn lao xuống sông tắm, thằng nào thằng nấy da xám nghoét như người chết trôi. Thằng nào yếu chịu rét thì dùng nước giếng tắm cho đở lạnh, nhưng gặp gió nó thổi vào cũng coi như không.

Tuy cuộc sống thiếu thốn khó khăn là vậy, nhưng chúng tôi vẫn chăm lo tốt cuộc sống tinh thần cho mình. Chúng tôi thường tổ chức các đêm liên hoan văn nghệ với đủ các tiết mục từ đơn ca, song ca, múa đến kịch nói. Hầu như ai cũng tham gia một tiết mục nào đó.Tờ báo tường của lớp vẫn được ra đều đặn trong các ngày lể lớn với hình thức đẹp, nội dung phong phú. Chúng tôi thường tổ chức đấu giao hửu bóng đá, bóng chuyền với các lớp bạn trên các đám ruộng mới gặt. Chiều chiều sau giờ ăn cơm, chúng tôi vác loa trèo lên cành cây cao đọc các bản tin thời sự và tin tức cho cả xóm cùng nghe. Thích nhất là lúc bị ốm, bọn con gái đến nấu cháo, xoa dầu, đặt cho nồi nước xông sao mà thấy ấm áp và hạnh phúc quá vậy. Cùng cảnh xa nhà, cùng đồng cam cộng khổ nên thương yêu và đùm bọc nhau ghê lắm. Nhiều mối tình đã nảy nở từ đây và có một số cặp đã nên vợ nên chồng sau này..

Học hết năm thứ hai chúng tôi chuyển về trường chính. Gọi là trường nhưng thực ra vẫn là những ngôi nhà tranh vách đất tạm bợ nằm rải rác trên các sườn đồi gần ga Lưu Xá  trong khu vực đầu trâu (giảm thiểu thiệt hại nếu bị đánh bom) . Văn phòng ban giám hiệu, các lớp học, nhà ở của giáo viên phần lớn do chúng tôi tự làm hết. Nhà chúng tôi ở là nhà của quân đội Trung Quốc để lại khi họ rút về nước.Việc sinh hoạt cũng tự lo là chính. Chất đốt lúc này đở căng thẳng hơn, chúng tôi cắt cỏ tranh, guột có rất nhiều trên các đồi đem về phơi khô để đun nấu dần. Nước sinh hoạt được lấy từ các giếng đào ở chân đồi. Vẫn dùng đèn dầu để học đến tận ngày tốt nghiệp ra trường.

Chúng tôi vẫn duy trì tốt phong trào văn thể,và thường xuyên tham gia các công trình thủy lợi như Phú Bình, Đồng Bẩm. Một lần cả lớp đang đang đào hồ chứa nước của công trình thủy lợi Phú Bình thì máy bay Mỹ ập đến. Chúng tôi nằm ngửa nhìn lên trời chờ cho sự may rủi vì không có chổ nào để tránh nữa. Cũng may bom nổ xa, không ai việc gì, hú hồn. Chúng tôi đã có kinh nghiệm nhìn bom rơi để tránh. Nếu thấy quả bom lao xuống tròn vo như quả dưa thì bay qua hai bên cở chục mét và nằm xuống, quả bom rơi trúng chổ mình vừa nằm. Nếu thấy quả bom rơi dài ngoẳng thì yên tâm nằm tại chổ, vì nó sẽ bay ra nơi khác.

Tuy khó khăn là vậy chúng tôi vẫn học tập rất tốt, không có ai bị phê bình khiễn trách vì ham chơi lười học. Đầu năm 1971 chhúng tôi bảo vệ tốt nghiệp, 95 % sinh viên không phải bảo vệ lại. Từ tháng 5 đến tháng 7 chúng tôi lần lượt đi nhận công tác ở khắp mọi miền của tổ quốc. Cửa trường Đại Học Cơ Điện Thái Nguyên đã khép lại sau lưng chúng tôi với bao nhiêu kỹ niệm không thể nào quên

Năm mươi năm đã qua đi, chúng tôi ai cũng thành ông thành bà, nhưng những kí ức hào hùng ngày nào vẫn mải mải đồng hành cùng chúng tôi trong nhiều năm tháng. Chúng tôi tự hào là lớp sinh viên đầu tiên của trường đã sống, học tập, lao động quên mình và đã trưởng thành trong một môi trường vô cùng đặc biệt, đã tạo những dấu ấn đầu tiên cho truyền thống vẻ vang của nhà trường sau này. Chúng tôi không làm phụ lòng những đồng lứa đã ngã xuống trên mọi ngả đường chiến tranh để dành độc lập và tự do cho dân tộc (trong đó có sinh viên trường chúng ta). Chúng tôi đã góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng tổ quốc tươi đẹp hôm nay. Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ với tổ quốc và nhân dân. Chúng tôi mải mải không bao giờ quên mái trường thân yêu cùng các thầy cô đã đổ nhiều mồ, hôi công sức và cả xương máu nữa để chắp cánh cho chúng tôi vào đời.

 

Đà Nẵng tháng 6 năm 2015