Nghiên cứu xử lí nước thải sinh hoạt bằng giá thẻ vi sinh di động kết hợp bùn hoạt tính
Tác giả: Phạm Hương Quỳnh, Nguyễn Thị Sơn
Nhà xuất bản: Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tập 51, số 3B
Nước thải sinh hoạt sau xử lí qua bể phốt thường còn độ ô nhiễm tương đối cao. Thành phần ô nhiễm chủ yếu là chất hữu cơ, đặc biệt là các hợp chất hữu cơ có chứa nitơ và một lượng NH4+ đáng quan tâm. Bài báo này nghiên cứu xử lí nước thải sinh hoạt bằng giá thể vi sinh di động kết hợp bùn hoạt tính (MBBR & AS) nhằm nâng cao hiệu quả loại bỏ BOD5, COD và Nitơ. Mô hình nghiên cứu được thực hiện trong phòng thí nghiệm với bể phản ứng dung tích 100 lít. Giá thể nghiên cứu là nhựa có kích thước 10x10mm, bề mặt riêng: 1.200 m2/ m3; độ rỗng 85%; tỉ trọng 1,2kg/ m3. Quá trình cố định màng vi sinh vật lên giá thể được thực hiện trong 48 giờ sau đó được đưa vào bể phản ứng với hàm lượng bùn hoạt tính biến động từ 400 – 1.000 mg/l. Nước thải nghiên cứu có hàm lượng BOD5 ≈ 330-370 mg/l, COD ≈ 530 -589 mg/l; hàm lượng TN ≈ 31,1 – 50,3 mg/l. Kết quả nghiên cứu với thể tích đệm 30%, hàm lượng bùn kết hợp 800 mg/l cho thấy sau 5 giờ hiệu quả xử lí COD đạt 95,4 – 96,4 %, hiệu quả khử nitơ đạt 86,5%.